Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

6. Bệnh dịch hạch - Phòng chống

Dịch hạch là bệnh của loài gặm nhấm hoang dại, lây truyền từ quần thể gặm nhấm này sang quần thể khác hoặc lan truyền sang người qua trung gian bọ chét. Phòng chống sự lan truyền của dịch hạch là phải kiểm soát được nguồn bệnh và bọ chét là trung gian truyền bệnh. Khi vụ dịch đang bùng phát biện pháp diệt bọ chét phải được ưu tiên trước khi tiến hành diệt vật chủ. Để đảm bảo chuẩn bị phòng chống có hiệu quả với dịch hạch thì các vùng dịch lưu hành phải được xác định và những đặc điểm dịch tễ học như tính thay đổi theo mùa của những vụ dịch trước cũng như vật chủ và trung gian truyền bệnh chính tại địa phương. Cần dự đoán những biện pháp sẽ tiến hành nếu xảy ra dịch cũng như cần theo dõi chặt chẽ thông tin cơ bản liên quan đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch hạch như độ nhậy cảm của véc tơ chính của dịch hạch đối với hóa chất thường được sử dụng, tính thay đổi theo mùa của quần thể bọ chét và vật chủ để phát hiện ra những thay đổi khác thường như gia tăng hoặc giảm đột ngột mà có thể là một chỉ điểm về một vụ dịch động vật.

Thêm vào đó, cần nắm được chu kỳ dịch hạch ở địa phương thông qua những nghiên cứu về miễn dịch của quần thể vật chủ và khả năng lan truyền bệnh của véc tơ. Biện pháp quan trọng nhất là thiết lập hệ thống giám sát thích hợp để phát hiện những hoạt động bất thường trong khu vực. Cần lưu ý về các ổ dịch tự nhiên có thể tiềm tàng trong nhiều năm mà hoàn toàn không ghi nhận một bệnh nhân dịch hạch, sau đó có thể do những thay đổi về sinh thái học hoặc bệnh nhân dịch hạch từ nơi khác đến gây bùng phát một vụ dịch.

6.1. Nguyên tắc phòng chống dịch hạch:

Phòng chống sự lan truyền dịch hạch từ quần thể gặm nhấm này sang quần thể gặm nhấm khác hoặc lan truyền sang người đạt kết qủa nhanh chóng nhờ khống chế được trung gian truyền bệnh. Vấn đề đặt ra trước đây là tính ưu tiên của diệt vật chủ hay diệt bọ chét, đã được Gordon và Knies nghiên cứu từ lâu và xác định rằng diệt bọ chét là mục đích cần đạt đầu tiên rồi sau đó mới tiến hành công tác diệt chuột. Một số nguyên tắc khác trong phòng chống dịch hạch được Gordon và Knies khuyến cáo cho đến nay vẫn còn giá trị mặc dù loại hóa chất mà họ dùng đương thời là DDT đến nay không còn sử dụng nữa.

Thực ra ngay từ năm 1898, Simond đã trình bày biện pháp phòng chống dịch hạch nên bắt đầu từ việc khống chế bọ chét hơn là diệt vật chủ vì khi một số lượng lớn quần thể vật chủ bị diệt thì bọ chét ký sinh sẽ rời vật chủ chết và nhảy vào môi trường xung quanh để tìm vật chủ mới. Số lớn bọ chét này, đặc biệt là những bọ chét nhiễm vi khuẩn dịch hạch bị “tắc nghẽn” sẽ làm cho dịch bùng phát lớn hơn. Như vậy, bước đầu tiên trong công tác phòng chống một vụ dịch hạch là cắt đứt sự lan truyền của bệnh bằng biện pháp phòng chống bọ chét.

6.2. Phòng chống bọ chét:

Theo kinh điển về phòng chống bọ chét là sử dụng rộng rãi các loại hóa chất diệt côn trùng. Việc tiến hành diệt quần thể gặm nhấm với quy mô lớn, đặc biệt là các loài chuột ở trong và xung quanh khu dân cư ở thành thị cũng như nông thôn trong khi dịch đang bùng phát phải thực hiện sau hoặc tối thiểu là tiến hành đồng thời với việc diệt bọ chét. Mục tiêu hàng đầu của phòng chống dịch hạch là làm giảm nhanh càng sớm càng tốt quần thể bọ chét ký sinh.

áp dụng việc phun tồn lưu hóa chất có hiệu quả giảm nhanh mật độ bọ chét tự do trong nhà nhưng đối với bọ chét ký sinh trên chuột sống trong và xung quanh nhà cũng như trên các loài gặm nhấm cư trú trong hang, tổ, đống cây, củi xung quanh nhà thì hiệu quả chỉ có tính tương đối. Hiệu quả rất ít hoặc gần như không có hiệu quả đối với sự lan truyền dịch ở các loài gặm nhấm sống hoang dại.

Rắc hóa chất dạng bột trên đường của chuột đi, dưới đống cây củi hay trong bụi cây xung quanh nhà đối với các loài chuột sống gần người hoặc rắc vào hang ổ của các loài gặm nhấm hoang dại có hiệu quả cao trong việc làm giảm quần thể bọ chét vì khi các loài gặm nhấm chạy ngang qua các đám hóa chất sẽ dính hóa chất lên lông và khi chúng chải lông đưa hóa chất khắp cơ thể chúng sẽ diệt bọ chét ký sinh. Rắc hóa chất dạng bột là một biện pháp cần lựa chọn nhưng có thể không dễ dàng thực hiện.

Khi cần phải làm giảm nhanh quần thể bọ chét ký sinh trên các loài gặm nhấm sống xung quanh nhà và gặm nhấm hoang dại có thể phun hóa chất diệt bọ chét dạng dung dịch hoặc khi phun tồn lưu thì cần chú ý phun kỹ trên sàn nhà và những nơi nghi ngờ có hang tổ chuột.

Chỉ định diệt bọ chét phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên, xã hội và đặc điểm dịch tễ học dịch hạch của địa phương. Tuy nhiên, cần tiến hành diệt bọ chét trong các trường hợp sau:

- Khi có hiện tượng chuột chết tự nhiên mà xác định được nguyên nhân là do dịch hạch hoặc nghi ngờ dịch hạch.

- Đầu mùa dịch ở những vùng có dịch đang lưu hành và vùng có nguy cơ cao.

- Nơi ghi nhận có bệnh nhân dịch hạch.

- Trong quá trình giám sát dịch hạch, phân lập được Yersinia pestis từ chuột hoặc bọ chét.

- Khi chỉ số bọ chét trên 1 và nhất là nhiều bọ chét tự do tại một số địa điểm quan trọng như : kho lương thực, nhà máy xay, chợ, các đầu mối giao thông quan trọng : cảng, nhà ga, bến xe ô tô ...

- Tại các địa phương có dịch lưu hành những năm trước.

6.2.1. Phòng chống bọ chét ký sinh trên chuột.

Đối với dịch hạch lưu hành ở khu dân cư thành thị cũng như nông thôn thì trung gian truyền bệnh phổ biến là X. cheopis, X. astia hoặc X. brasiliensis và các loài vật chủ thường gặp là những loài chuột sống và làm tổ ở trong và xung quanh nhà ở như R. rattus, R. exulans hoặc các loài chuột thường sống và làm tổ ở các bụi rậm xung quanh nhà như R. norvegicusR. bengalensis. Loài gặm nhấm nào là vật chủ của dịch hạch tại địa phương không phải là điều cần quan tâm mà các cán bộ y tế cần phải được học cách nhận biết về sinh thái học và biết cách tìm ra được đường đi lại và hang tổ mà vật chủ sinh sống để xử lý.

Hóa chất dạng bột nên phun vào miệng hang tổ hoặc rắc từng đám dày khoảng 1 cm xung quanh miệng hang. Nên rắc hóa chất từng đám dày 1 cm với kích thước 15 x 30 cm, trên đường đi lại của chuột ở trong nhà mà thông thường là dọc theo chân tường. Để tiết kiệm hóa chất, các hang tổ chuột trước hết phải lấp lại, chỉ khi thấy hang được đào trở lại mới rắc thuốc.

Các đám hóa chất này nên rắc vào những vị trí mà không bị quét đi hoặc xáo tung lên bởi các hoạt động của con người và cẩn thận không để ô nhiễm thực phẩm cũng như các dụng cụ dùng trong ăn uống hàng ngày. Phương pháp này có nhiều điểm không an toàn cho người, gia súc cũng như dễ gây ô nhiễm môi trường nhưng dễ dàng thực hiện với sự hướng dẫn đơn giản và dễ dàng kiểm tra dấu vết của chuột khi chạy qua.

Cần chú ý nhà kho và nơi chứa đựng lương thực, thực phẩm vì thường là nơi thích hợp cho chuột sinh sống và làm tổ. Biện pháp rắc đám hóa chất có thể thay thế bằng cách sử dụng hộp mồi nhử bằng kim loại có thể chứa cả thuốc diệt chuột và bọ chét.

 

Hình 23. Hộp mồi nhử (ống Kartman)

ở các vùng nhiệt đới có thể dùng ống tre hở 2 đầu với đường kính khoảng 7 – 10 cm và dài khoảng 40 cm. ở giữa ống tre đặt khoảng 30 gram mồi nhử có hoặc không có hóa chất diệt chuột, hai đầu ống đặt khoảng 5-6 gram hóa chất diệt bọ chét. ống có thể gắn chặt trên nền đất hoặc sàn nhà, vách, mái nhà ... Cách này đòi hỏi nhiều thao tác nhưng có lợi điểm là an toàn và hiệu quả cao vì hóa chất được bảo vệ ở bên trong ống.

Hình 24. Hộp Kartmant

Phạm vi rắc hóa chất diệt bọ chét ở khu dân cư, nơi xảy ra dịch được xác định dựa vào vị trí xuất hiện bệnh nhân hoặc chuột mà kết quả xét nghiệm vi sinh vật dịch hạch dương tính và phạm vi cần phải bảo vệ. Phạm vi này có thể xác định bằng phạm vi hoạt động của loài gặm nhấm ở trong và xung quanh vùng dịch

Trong mọi trường hợp thì việc phun thuốc diệt bọ chét phải tiến hành càng sớm càng tốt ngay sau khi có bằng chứng về bệnh nhân dịch hạch hoặc kết quả xét nghiệm vi sinh vật dịch hạch dương tính ở vật chủ. Trước khi tiến hành phun hóa chất cần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tạo điều kiện và phối hợp với nhân viên y tế trong việc phun hoặc rắc hóa chất. Điều cần đặc biệt lưu ý là việc không để ô nhiễm lương thực và thực phẩm khi tiến hành phun hoặc rắc hóa chất.

ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch hạch phải giám sát định kỳ để theo dõi mật độ bọ chét, sự biến đổi theo mùa và độ nhạy cảm của bọ chét với hóa chất hiện có để lựa chọn hóa chất diệt bọ chét hiệu quả.

6.2.2. Phòng chống bọ chét ký sinh trên gặm nhấm hoang dại.

Phòng chống bọ chét ký sinh trên gặm nhấm hoang dại khó hơn so với bọ chét ký sinh trên gặm nhấm gần người vì khó xác định nơi cư trú, những lối đi lại thường xuyên và sự phân bố rộng rãi của quần thể gặm nhấm khó đưa ra quyết định về phạm vi cần phải xử lý.

Thời kỳ trước khi có DDT, ở một số nơi thực hiện việc kiểm soát chuột bằng cách hun khói các hang tổ nghi có chuột cư trú bằng thổi bột HCN. Biện pháp này có kết quả rất kém và quá nhiều nhược điểm vì phạm vi của vùng cần xử lý quá rộng, hun khói thường khó đến được các ngõ ngách của hang chuột nên các loài vật chủ thường trốn được. Tác dụng này chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, khuyếch tán đi và điều đáng ngại là hơi độc khi xử lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp xử lý cũng như khu dân cư gần nơi thực hiện.

Phòng chống bọ chét ký sinh trên gặm nhấm hoang dại bằng nhiều cách như phun hóa chất bằng máy bay hoặc sử dụng máy phun tay vào hang tổ. Biện pháp ít ảnh hưởng đến môi trường là nên sử dụng hóa chất trong hộp mồi nhử đã tiến hành ở Hoa Kỳ. Hình dáng hộp mồi, mồi nhử, hóa chất dạng bột đặt trong hộp mồi nhử cần nghiên cứu sao cho hấp dẫn gặm nhấm. Biện pháp này có hiệu quả tốt, làm giảm nhanh quần thể bọ chét trong phạm vi khá rộng xung quanh nơi đặt hộp mồi nhử. Tuy nhiên, đây là công việc khá nặng nhọc, đòi hỏi kiên nhẫn, phải thay mồi nhử và bổ sung thêm hóa chất cho đến khi nguy cơ dịch hạch giảm đi. Vì những giới hạn này nên thực tế ở nhiều quốc gia biện pháp phun hóa chất vào những hang tổ, đường đi và những nơi gấm nhấm thường đi lại được sử dụng nhiều nhất.

6.2.3. Các loại hóa chất diệt bọ chét.

   Trước khi lựa chọn một loại hóa chất diệt bọ chét để sử dụng trong chương trình phòng chống bệnh dịch hạch, việc thử nghiệm độ nhạy cảm để xác định tình trạng nhạy cảm của quần thể bọ chét đối với hóa chất đó là rất cần thiết và cần tiến hành thử nghiệm tại thực địa để xác định hiệu quả diệt bọ chét trong điều kiện tự nhiên của địa phương.

   Trước kia DDT là một trong những hóa chất phổ biến dùng để diệt bọ chét trong công tác phòng chống dịch hạch nhưng do ngày càng bị kháng, nhất là X. cheopis hơn nữa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nên hiện nay hóa chất này không còn sử dụng nữa.

   Các loại hóa chất hiện nay đang sử dụng thuộc nhóm Organo-Phosphorus (OP), carbamate, pyrethroid và Insect-grow-regulator (IGR) có hiệu quả cao với cả bọ chét trưởng thành và ấu trùng, những loại hóa chất này đã chứng tỏ hiệu quả trên thực địa.

Bảng 6. Các loại hóa chất phổ biến dùng trong diệt bọ chét.

Hóa chất

Nhóm

Độ tập trung (%)

chuột (mg/kg đường uống)

LD 50

đường uống

bendiocarb

carbamate

1,00

55,00

carbaryl

carbamate

2,00-5,00

3000,00

propoxur

carbamate

1,00

95,00

deltamethrine

pyrethroid

0,005

135,00

lambdacyhalothin

pyrethroid

 

 

permethrine

pyrethroid

0,50

430,00

diazinon

OP

2,00

300,00

fenitrothion

OP

2,00

503,00

jofenphos

OP

5,00

2100,00

malathion

OP

5,00

2100,00

propetamphos

OP

 

 

pirimiphosmethyl

OP

2,00

2018,00

diflubenzurin

IGR

5,00

 

methoprene.

IGR

 

 

   Một số loại hóa chất khác có hiệu quả diệt bọ chét cao hiện có trên thị trường như fipronil, imidacloprid, lufenuron và pyriproxyfen. Tuy nhiên, việc sử dụng loại hóa chất nào trong chương trình giám sát và phòng chống dịch hạch để diệt bọ chét thường có hướng dẫn của cơ quan y tế cao nhất của mỗi quốc gia và cần phải tiến hành thử nghiệm thực địa để xác định hiệu quả diệt bọ chét cũng như sự chấp nhận phương cách sử dụng trong điều kiện tự nhiên và xã hội tại địa phương. Hiện nay, theo hướng dẫn của thường quy giám sát và phòng, chống bệnh dịch hạch của Bộ Y tế Việt Nam thì hóa chất dùng phun tồn lưu là Permethrine liều phun 0,2 gr/m2, Vectron 0,1-0,2 gr/m2 và Diazinon 0,2 gr/m2.

6.2.4. Tính kháng với hóa chất của bọ chét.

Tính đề kháng của bọ chét với hóa chất là một trở ngại lớn đối với công tác phòng chống bệnh dịch hạch. Vì vậy, cần phải thử độ nhạy cảm định kỳ của bọ chét với các hóa chất sử dụng tại địa phương. Lần đầu tiên, DDT được phát hiện bị bọ chét X. cheopis kháng tại Poona, ấn Độ từ đó tính đề kháng này đã lan truyền rộng rãi đến nhiều loài bọ chét khác.

Bảng 7. Sức đề kháng của các loài bọ chét đối với 1 số hóa chất tại một số nước trên thế giới.

Loài bọ chét

DDT

OP

Khác

Ceratophyllus fasciatus

Liên xô cũ

 

 

Ctenocephalides felis felis

Columbia, Guyana

USA, Tanzania

USA

Pulex irritans

Brazil, Tiệp Khắc, Ecuador, Ai Cập, Hy Lạp, Pê Ru, Thổ Nhĩ Kỳ.

 

 

Stivalius cognatus

Inđônêsia

Inđônêsia

 

Synopsyllus fonquerniei

Madagascar

Madagascar

 

Xenopsylla astia

Miến Điện, ấn Độ

 

 

Xenopsylla brasiliensis

Tanzania

 

 

Xenopsylla cheopis

Brazil, Miến Điện, Trung Quốc, Êcuađo, Ai Cập, ấn Độ, Inđônêsia, Ixraen, Madagascar, Philíppin, Tanzania, Thái Lan, Việt Nam

ấn Độ, Tanzania và Madagascar

Madagascar

Bộ sinh phẩm chẩn đoán độ nhạy cảm của bọ chét với các hóa chất và hướng dẫn sử dụng có thể liên hệ với Văn phòng Khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc Bộ phận Kiểm soát Bệnh Nhiệt đới của Tổ chức Y tế Thế giới .

6.3. Phòng chống chuột.

   Đây là biện pháp quan trọng trong công tác phòng chống dịch hạch, nhưng tại những vùng dịch hạch đang bùng phát ở người thì công tác diệt chuột chỉ được tiến hành sau khi thực hiện các biện pháp diệt bọ chét có hiệu quả. Biện pháp này chỉ được thực hiện khi các chỉ số bọ chét thấp. ở những vùng không có dịch lưu hành hoặc trong thời kỳ dịch hạch không bùng phát thì diệt chuột có thể tiến hành đồng thời với diệt bọ chét.

   Xác định loài vật chủ chính trong vùng dịch cũng như sinh thái học của chúng là rất cần thiết và là cơ sở cho công tác khống chế nguồn bệnh. Bên cạnh đó, cần phải xác định mật độ chuột, tính thay đổi theo mùa và phạm vi di chuyển của gặm nhấm cũng như tính nhạy cảm của vật chủ với các hóa chất.

   Có nhiều biện pháp để kiểm soát được vật chủ như sử dụng hóa chất, đánh bẫy, biện pháp vệ sinh môi trường ...

   6.3.1. Diệt chuột bằng hóa chất.

   Các biện pháp diệt gặm nhấm tùy thuộc vào cách sử dụng hóa chất. Hóa chất diệt chuột có thể được chia thành 2 nhóm dựa theo tác động diệt chuột nhanh hay chậm và mỗi loại có những ưu và nhược điểm riêng. Hiện nay nhóm hóa chất chống đông với cơ chế chống đông máu gây nên xuất huyết nội được ưa chuộng. Các chất chống đông thế hệ nhất như Warfarin, fumarin, coumachlor, coumatetralyl, pival, Diphacinone và chlorphacinone. Thế hệ hai gồm Difenacoum, brodifacoum, bromadiolone và flocoumafen.

Hóa chất chống đông thế hệ thứ nhất

Hóa chất

Tên hóa học

Warfarin

Warfarin [3-(a-acetonylbenzyl)-4-hydroxycoumarin]

Fumarin

(fumarine hoặc coumafuryl) [3-(a-cetonylfurfuryl)-4-hydroxycoumaryl]

Coumachlor.

Coumachlor [3-(1-p-chlorophenyl-2-acettylethyl)-4-hydroxycoumaryl]

Coumatetralyl.

Coumatetralyl [3-(a-tetralyl-4-hydroxycoumaryl]

Pival

Pival [2-pivalyl-1, 3-indandione]

Diphacinone

Diphacinone [2-diphenylacetyl-1,3-indandione]

Chlorphacinone

Chlorphacinone, [2(2-p-chlorophenyl-a-phenylacetyl]

Warfarin là một thuốc chống đông, được phát hiện là một loại hóa chất diệt chuột vào năm 1950 và đã được sử dụng khá rộng rãi. Warfarin là một trong những hóa chất có hiệu quả diệt chuột cao do gây xuất huyết phủ tạng, nhất là phổi. Tuy nhiên ở nhiều nước, việc sử dụng loại hóa chất này đã giảm dần do xuất hiện tính đề kháng và phát hiện nhiều loại hóa chất mới có khả năng chống đông cao hơn. Có thể sử dụng Warfarin ở dạng muối Natri nồng độ 0,5% sử dụng trong hộp mồi nhử hoặc hòa tan trong nước tạo thành dung dịch nồng độ 0,005%mg/ml. Khi dùng mồi độc Warfarin phải dùng liên tục 5-7 ngày, thuốc tích lũy trong cơ thể chuột và chuột chết trong vòng 1 tuần.

Fumarin là hợp chất có màu kem hoặc hơi trắng, thường chế phẩm ở nồng độ 0,5% trong bột ngô hoặc dung dịch muối. Tác dụng diệt chuột và mức độ sử dụng tương tự như Warfarin.

Coumachlor còn được gọi là Tomorin là một trong những hóa chất chống đông đầu tiên. Tác dụng tương tự như Warfarin nhưng có phần kém hiệu quả hơn đối với Rattus norvegicus ít độc nhất của nhóm hóa chất chống đông thế hệ thứ nhất. Hóa chất này đã sử dụng rất thành công ở dạng bột.

Coumatetralyl được gọi là Racumin đã được dùng khá rộng rãi để diệt cả 3 loài chuột sống trong và xung quanh khu dân cư. Các nghiên cứu cho thấy Coumatetralyl ở nồng độ 0,03 và 0,05% có hiệu qủa với Rattus norvegicus tốt hơn warfarin nồng độ 0,025%. ở Đan Mạch, Coumatetralyl không có hiệu quả đối với các loài chuột đã kháng warfarin trên thực địa, còn ở các vùng khác cho thấy hiệu quả diệt các loài chuột sống trong và xung quanh nhà tốt hơn warfarin. Mức độ kháng mạnh với coumatetralyl và các hóa chất chống đông khác đã được ghi nhận ở Đức. Tuy vậy, coumatetralyl là hóa chất vẫn còn sử dụng khá rộng rãi trên thế giới.

Pival còn gọi là pindone là một loại bột mịn màu vàng có mùi hăng nhẹ. Pival ít tan trong nước.

Diphacinone [2-diphenylacetyl-1,3-indandione] là một chất kết tinh không mùi, màu hơi vàng.

Hóa chất chống đông thế hệ thứ hai

Hóa chất

Tên hóa học

Difenacoun

Difenacoun [3(3-p-diphenyl-1,2,3,4-tetrahydronaph-l-yl)-4-hydroxycoumarin]

Brodifacoun

Brodifacoun 3-(3-[4’-bromobiphenyl-4-yl]-1,2,3,4-tetrahydronaphth-1yl)-4 hydroxy

Bromadiolone

Bromadiolone, 3-[3-(4’-bromo[l,l’biphenyl]-4-yl-3-hydroxy-1-phenylpropyl]-4-hydroxy-2H-1benzopyran-2-one]

Flocoumafen

Flocoumafen [3-(4’-trifluoromethylbenzym-oxyphenyl-4-yl)-1,2,3,4-tetrahydro-1-naphthyl-4-hydroxycoumarin]

Difenacoun có cấu trúc tương tự coumatetralyl. Hóa chất này được phát hiện trong quá trình nghiên cứu tìm thuốc diệt chuột do hiện tượng kháng với các hóa chất chống đông ở Anh. Những kết quả báo cáo ở thí nghiệm và thực địa chứng tỏ khả năng gây độc của difenacoun đối với chuột Rattus norvegicusM. musculus kể cả những quần thể chuột đã kháng với warfarin. Kết quả thực địa những vùng chuột đã kháng warfarin cho thấy difenacoum đặt bẫy ở nồng độ 0,005 và 0,01% trong 21 ngày làm chết khoảng 88,9% và 97%.

 

 

6.3.2. Diệt chuột bằng các biện pháp dân gian.

   Nhân dân đã có nhiều kinh nghiệm diệt chuột bằng biện pháp cơ học (đặt bẫy, đào hang ...) và các biện pháp sinh học (nuôi mèo, rắn ...). Có thể dùng các loại bẫy khác nhau như : bẫy bắt sống, bẫy kẹp chết. Loại bẫy thông dụng ở nước ta là :

   Bẫy sập : làm bằng gỗ hoặc kim loại, có một thanh sắt có lò xo làm bàn dật ở giữa, một chốt gương lên đồng thời cũng là chỗ cài mồi. Khi bẫy đã cài, chuột đến ăn và kéo mồi đi làm cho chốt cài tuột ra, bẫy sẽ sập xuống và giết chết chuột. Cần chú ý khi cài bẫy, đề phòng tai nạn cho người.

   Bẫy lồng : Là loại khá phổ biến trong các gia đình làm bằng dây thép, lưói mắt cáo ... Lồng chuột có một cái cửa giương lên keo bằng lo xo. Khi chuột ăn mồi và kéo đi chốt cài sẽ tuột ra và cửa sẽ đóng lại.

   Ngoài ra, còn có nhiều loại bẫy khác như lồng 2 ngăn bắt chuột, cung tre bắt chuột ... Muốn dùng bẫy chuột có kết quả, cần lưu ý các điểm sau :

   - Trước khi giương bẫy, cho chuột ăn quen vài ngày không có cài bẫy. sau đó mới giương bẫy và đắt mồi vào trong.

   - Đặt bẫy trên đường chuột hay đi lại, nơi chuột thường đến ăn thức ăn như thùng thức ăn thừa, gần nguồn nước, chổ cửa hang ...

   - Thức ăn dùng để mồi chuột cần hấp dẫn, trong một khu vực bẫy nên dùng nhiều loại mồi khác nhau

   - Bẫy đã dùng để bắt hay giết chuột xong phải rửa sạch, làm hết mùi của chuột đã sa bẫy.

   Nuôi mèo : có tác dụng phòng trừ hoặc giảm chuột trong nhà. Ngoài việc mèo đuổi và cắn chết chuột ra, sự hiện diện của mèo cũng làm chuột phải xa lánh ra xa nhà ở.

   6.4. Biện pháp kiểm dịch.

   Ngày nay, bệnh dịch hạch vẫn còn lưu hành ở các ổ dịch hạch thiên nhiên tồn tại ở Bắc và Nam Mỹ, Châu Phi, Châu á và Đông Nam Châu Âu, từ 55 vĩ độ Bắc đến 40 vĩ độ Nam. Các vùng dịch hạch lưu hành không cố định mà luôn luôn thay đổi, tuỳ thuộc vào sự thay đổi của nhiều yếu tố tự nhiên, xã hội như : khí hậu, động đất, sự di chuyển của các quần thể gặm nhấm, di dân ... Đặc biệt việc giao thông đường bộ, thủy, hàng không không chỉ trong phạm vi quốc và mà cả toàn cầu rất thuận lợi và nhanh chóng nên nguy cơ lây truyền dịch đi xa là vấn đề cần phải quan tâm.

   Trong lịch sử nhân loại việc kiểm dịch đã được ghi nhận trong thời gian đại dịch thứ 2. Vào lúc bấy giờ, dù chưa có những hiểu biết về dịch tễ học và cơ chế lan truyền bệnh dịch hạch nhưng tại thành phố Dubrovnik, một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất Croatia ban hành vào ngày 27 tháng 7 năm 1377, một quy định để bảo vệ thành phố chống lại bệnh dịch hạch và buôn bán tự do với các nước Phương Đông, nơi mà dịch hạch đang hoành hành là các tàu thuyền đến thành phố phải ở tại một khu vực giới hạn trong vòng 30 ngày để xem có biểu hiện bùng phát của dịch hạch không ? Về sau này, thời gian cách ly kéo dài thành 40 ngày. Từ kiểm dịch “quarantine” mô tả sự cách ly để phòng sự lan truyền bệnh nhiễm trùng. Quarantine xuất phát từ tiếng La Tin “Quaranta” có nghĩa là 40. Bởi vì sự cách ly lúc bấy giờ kéo dài 40 ngày. Dubrovnik là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới áp dụng biện pháp cách ly để phòng chống sự lan truyền của các bệnh truyền nhiễm và là thành phố đầu tiên trên thế giới có văn bản ghi lại biện pháp kiểm dịch. Sau nhiều thế kỷ, các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác (phong, đậu mùa, lỵ) kiểm dịch thành công. Năm 1590, hoạt động kiểm dịch mở rộng đối với đường bộ là các nhà ở gần phía Đông của thành phố. Sự cách ly đã chứng minh hiệu quả rõ rệt của nó. Trong nhiều thế kỷ, đại dịch lần 2 hoành hành ở Châu Âu, không một vụ dịch nào bùng phát ở thành phố này và việc cách ly của thành phố Dubrovnik là một sự thành công lớn nhất của nền y học Trung Cổ.

Hình 25. Bức tranh mô tả hình ảnh kiểm dịch tại cảng Dubrovnik, Croatia

thời kỳ đại dịch thứ hai.

   Biện pháp kiểm dịch quốc tế đối với bệnh dịch hạch được quy định bởi Tổ chức Y tế Thế giới tại phần V, chương 1, điều 50 đến 60 của Điều lệ Kiểm dịch Quốc tế tại kỳ họp thứ 34 của Hội đồng Y tế Thế giới, năm 1981 (phụ lục 3).

   6.5. Xã hội hóa trong công tác phòng chống dịch hạch.

   Bệnh dịch hạch là bệnh dịch tối nguy hiểm, lan tuyền rộng rất nhanh và tỷ lệ tử vong cao, nên cần phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch liên hoàn và có hệ thống.

Tổ chức ban chỉ đạo phòng chống dịch : Đối với các địa phương đang có dịch lưu hành nên có ban chỉ đạo phòng chống dịch. Cơ cấu thành phần ban chỉ đạo phòng chống dịch, ngoài chủ tịch hay phó chủ tịch ủy ban nhân dân làm trưởng ban, cán bộ y tế làm phó ban cùng các thành phần khác như : đại diện ngành văn hóa thông tin, công an, giáo dục, nông nghiệp, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ ... làm ủy viên. Bên cạnh đó, thành lập mạng lưới cộng tác viên làm nhiệm vụ tuyên truyền về công tác phòng chống bệnh dịch hạch.

Ban chỉ đạo này thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hoạt động phòng chống dịch, kiểm tra và bổ sung kinh phí, cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân sự sẵn sàng phục vụ chống dịch ở các tuyến.

Tuyên truyền giáo dục cho nhân dân những kiến thức căn bản về bệnh dịch hạch, điều quan trọng cơ bản là có biện pháp hạn chế tối đa không để cho chuột vào nhà bằng cách bảo quản lương thực, thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường, hủy bỏ chất thải hợp lý, nuôi mèo. Cần lưu ý trong giáo dục nhân dân là phát hiện thấy có chuột chết bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất. Nếu có người trong nhà hay hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch (sốt, nổi hạch ... ) phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Hình 26. Học sinh đi cổ động trong ngày phát động

toàn dân phòng chống dịch hạch năm 2002 tại vùng dịch hạch lưu hành

(xã I, huyện Đ, tỉnh G).

6.6. Tiêm chủng

   Gây miễn dịch bằng vắc xin vi khuẩn chết phòng được bệnh dịch hạch thể hạch trong vòng một vài tháng, nhưng không phòng được dịch hạch thể phổi tiên phát. Miễn dịch cơ bản gồm 2-3 mũi với khoảng cách 1-3 tháng. Cần tiêm nhắc lại 6 tháng một lần ở những địa phương có dịch hạch lưu hành và nguy cơ cao.

   Vắc xin sống giảm độc lực đang được sử dụng ở một số quốc gia nhưng gây phản ứng phụ nhiều hơn và không chứng tỏ có hiệu quả cao hơn.

   Hiện nay, tiêm chủng vắc xin dịch hạch được chỉ định giới hạn cho những đối tượng có nguy cơ cao như : người đến công tác tại vùng dịch hạch lưu hành, cán bộ y tế làm việc tại phòng thí nghiệm dịch hạch, cán bộ thực địa làm việc trực tiếp với động vật và bệnh phẩm nhiễm bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét