Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

3. Bệnh dịch hạch và phương diện chiến tranh sinh học:


Thực tế cho thấy rằng thương vong do chiến tranh là ít hơn nhiều so với do bệnh tật cũng như các thương vong khác không do chiến tranh. Hiện nay, khi điều kiện sống và dân trí của nhân dân được nâng cao, các dịch vụ y tế được tăng cường, đảm bảo và với những kháng sinh trị liệu cũng như hóa chất sử dụng trong phòng chống dịch hạch có hiệu quả thì nguy cơ xảy ra các vụ đại dịch là rất thấp. Tuy nhiên những vụ dịch hạch do sử dụng vũ khí sinh học là sự đe dọa đáng lo ngại có thể xảy ra.

Thuật ngữ chiến tranh sinh học “biological warfare” mà ngày nay chúng ta thường sử dụng, đã được nói đến về chuyện xảy ra ở thành phố cảng Crimean của Caffa trên bờ biển Đen vào thời kỳ 1346-1347. Đây là thời gian xung đột vũ trang giữa thủy quân Genoe, Thiên Chúa Giáo với người Tác ta, Hồi Giáo. Dịch hạch đang hoành hành ở quân đội Tác Ta và những người chỉ huy của quân đội Tác Ta đã phản công thủy quân Thiên Chúa Giáo bằng cách sử dụng súng phóng đá bắn những xác của những người Tác Ta chết vì bệnh dịch hạch vào quân Genoe. Dịch hạch bùng phát và quân đội Genoe đã phải rút quân về ý.

Các hoạt động quân sự của Pháp ở Ai Cập vào năm 1798 đã gặp phải trở ngại lớn vì bệnh dịch hạch và đã hủy bỏ cuộc tấn công vào Alexandria.

Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân đội Nhật Bản đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm, chuyên nghiên cứu vũ khí sinh học (đơn vị 731) ở Manchuria, Trung quốc. ở đây đã từng xảy ra những vụ dịch hạch thể phổi vào các năm 1910-1911, 1920-1921 và năm 1927. General Shiro Ishii, chỉ huy quân y của đơn vị 731 đã quan tâm nhiều đến việc nghiên cứu sử dụng Yersinia pestis là tác nhân trong vũ khí sinh học. Sau những thất bại ban đầu vì thực tế gần 100% bọ chét bị chết dưới áp lực không khí và nhiệt độ cao khi quả bom nổ, Ishii đã thành công khi sử dụng loại bọ chét người (Pulex irritans). Loài bọ chét này có sức đề kháng cao hơn khi tung vào không khí, tính chọn lọc vật chủ là người và sự lây truyền vi khuẩn dịch hạch vào quần thể chuột tại địa phương sẽ làm cho vụ dịch kéo dài hơn. Quân đội Nhật Bản đã sử dụng vi khuẩn dịch hạch là tác nhân trong vũ khí sinh học nhiều lần ở Trung Quốc trong thời gian chiến tranh thế giới thứ 2.

Tháng 10 năm 1941, một chiếc máy bay của Nhật Bản bay ngang qua trung tâm thương mại Chanteh thuộc tỉnh Hunan, Trung Quốc đã thả xuống một địa phương này rất nhiều hàng hóa hỗn tạp như lúa, lúa mì, mảnh giấy, đồ bông, len và nhiều mảnh đồ vật nhỏ khác. Trong vòng 2 tuần sau, nhiều người dân ở Chanteh bị chết vì dịch hạch. Nguyên nhân của vụ dịch này được xem là do vũ khí sinh học vì có nhiều nguyên nhân như :

- Khu vực Chanteh và các vùng xung quanh chưa bao giờ xảy ra dịch hạch.

- Bệnh dịch hạch thường lây truyền cùng với lúa, gạo vận chuyển trên các thuyền buôn mà Chanteh là thành phố xuất cảng lúa gạo và thời gian gần đấy, không có người từ nơi khác đến mà nghi ngờ nhiễm dịch hạch.

- Tất cả những người mắc bệnh đều ở vùng mà máy báy Nhật Bản thả những hàng hóa hỗn tạp xuống.

- Không ghi nhận hiện tượng chuột chết tự nhiên ồ ạt và 6 trường hợp tử vong đầu tiên xảy ra trong vòng 15 ngày sau sự kiện máy bay thả hàng hóa.

Trong những năm tiếp theo, chương trình vũ khí sinh học của Hoa Kỳ và Liên Xô (cũ) đã phát triển kỹ thuật phân tán vi khuẩn dịch hạch trực tiếp vào không khí mà không phải phụ thuộc vào véc tơ bọ chét.

Năm 1970, Tổ chức y tế thế giới đã thông báo rằng trong một viễn cảnh tồi tệ nhất, nếu 50kg Yersinia pestis được tung vào không khí của một thành phố có 5 triệu dân thì sẽ có khoảng 150.000 người mắc bệnh dịch hạch thể phổi và ước tính có khoảng 36.000 trường hợp tử vong.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét