Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

2a. DỊCH TỄ HỌC BỆNH DỊCH HẠCH - Vật chủ

1. Vật chủ bệnh dịch hạch.

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm, lây truyền trong quần thể gặm nhấm. Bệnh duy trì trong các ổ dịch thiên nhiên của các loài gặm nhấm và lây truyền qua trung gian bọ chét sống ngoại ký sinh trên chúng. Phần lớn các loài động vật hoang dại đều bị nhiễm vi khuẩn dịch hạch nhưng chúng có tính đề kháng tương đối với bệnh nên không đóng vai trò quan trọng trong vật chủ bệnh dịch hạch.

Trên thế giới bộ gặm nhấm (Rodentia) có khoảng 6.000 loài, trong đó họ chuột (Muridae) có 150 loài chuột. ở Việt Nam có 56 loài gặm nhấm và họ chuột có 43 loài phân bố trên toàn lãnh thổ. Những loài chuột thường gặp ở khu dân cư Việt Nam là :

* Chuột lắt (Rattus exulans) : Chuột lắt là loài thuộc giống rattus, có kích thước nhỏ bé, chiều dài đuôi khoảng từ 116-152 mm và thường dài hơn thân. Màu lông lưng xám thẫm hơi phớt nâu đến nâu, có gai lông mảnh. Lông bụng màu nhạt, ngực hơi vàng hoe. Đuôi màu nâu thẫm.

Chuột lắt (Rattus exulans

Ở Việt Nam, chuột lắt phân bố ở Miền Nam, ranh giới phía bắc có thể là địa phận Vĩnh Linh. Trên thế giới, chuột lắt phân bố khá rộng rãi : Miến Điện, Malaixia, Thái Lan, Campuchia, miền Nam Việt Nam.

Chuột lắt sống bám vào khu dân cư, không gặp ở ngoài đồng, rừng. Khảo sát một số khu dân cư kinh tế mới thường thấy chuột lắt xâm nhập sau khoảng 2 tháng. Đặc biệt thích hợp cho loài chuột lắt là nhà tranh tre, vách nứa, chúng có nhiều nơi để trú ẩn và làm tổ. Chuột lắt leo trèo giỏi, chính vì vậy mà chúng có khu vực phân bố chung với các loài khác, khi bị tấn công chúng thường chiếm lĩnh phần cao. Nếu trong phạm vi hẹp có đủ điều kiện thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn yên ổn thì chuột lắt không di chuyển xa mà sống rất gần người ngay trong rương, hòm, tủ áo quần, gường nằm của người.

Chúng thường làm tổ nơi yên ổn, kín đáo hoặc ngay chổ người thường qua lại nhưng không đụng chạm đến. Chúng làm tổ bằng các vật liệu mềm như giấy, rác, vải ... Nhà lợp tranh hoặc vách tranh, thân tre rỗng là nơi làm tổ thuận lợi cho chuột lắt. Chúng đục khoét dần có khi xuyên thủng các mắt ống tre của cây tre dài 5-10 mét và làm tổ qua nhiều thế hệ, có khi chúng cắn tranh trên mái nhà làm tổ.

Trong các khu dân cư này thì chuột lắt chiếm đa số, thường từ 50% đến 94%. Kết quả nghiên cứu ở xã Ia Pết, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai năm 1999, 2001 và 2002 đặt 6957 lượt bẫy, thu được 410 vật chủ. Qua phân tích cho thấy loài chuột lắt chiếm 55,9%.

* Chuột khuy hay còn gọi chuột rừng (Rattus rattus): Chuột khuy có kích thước tương đối lớn, trọng lượng dao động 140 - 300 gram. Chiều dài thân khoảng 160 - 210 mm và chiều dài đuôi khoảng từ 176 - 250 mm và thường dài hơn thân. Màu lông lưng xẩm hung, màu trắng xám ở bụng và đuôi màu nâu thẩm.

Chuột khuy (Rattus rattus)

Chuột khuy có phân bố mọi sinh cảnh, có thể gặp trong nhà, vùng ven biển, đồng lúa, đồng cỏ, đồi rừng, trong rừng ... Trong sinh cảnh thành thị, rattus rattus gặp nhiều ở những nơi công cộng như ga xe lửa, cảng. ở miền Bắc Việt Nam, rattus rattus thường gặp ở rừng và trung du. ở Miền Nam gặp ở khắp mọi nơi. Trên thế giới, loài chuột này phân bố khá rộng rãi : Miến Điện, Malaixia, Thái Lan, Campuchia, miền Nam Việt Nam.

Đây là loài có thể thích nghi với nhiều loại sinh cảnh nên hang tổ cũng tùy thuộc vào sinh cảnh. Trong rừng, chúng làm tổ trên cây. Ngoài đồng, chúng đào hang làm tổ ở bờ ruộng, mô đất, rơm rạ ... Trong nhà, Rattus rattus thường làm tổ trong ống tre trên mái nhà, đục khoét ống tre hoặc cắn tranh trong mái tranh ... tự như rattus exulans. Trong sinh cảnh thành thị, chúng làm tổ trong các hang hốc tự nhiên, trong đống nguyên phế liệu.

Tùy vào môi trường chuột khuy đang sống mà chọn nguồn thức ăn thích hợp. Chúng sống cũng khá gần người nên cũng ăn thức ăn của người : thóc, bắp, củ mì, rau, cá, thịt ... Thường mùa khô, ở ngoài đồng thiếu thức ăn, nước uống chuột thường vào trong nhà, mùa có lúa ngoài đồng chúng di chuyển ra ngoài đồng.

* Chuột cống (Rattus norvegicus) : Chuột cống là loài có thân hình lớn, chiều dài từ mũi đến đuôi của con trưởng thành khoảng 439 – 500 mm, trong đó đuôi bao giờ cũng ngắn hơn thân, khoảng 190-238mm. Màu lông lưng thay đổi từ nâu xám đến xám đen. Bộ lông có nhiều lông cứng mọc dài hơn lông thường. Lông bụng trắng đục, gốc màu xám.

Chuột cống được mệnh danh là loài chuột thế giới, nguồn gốc của loài chuột này là ở Đông Nam á, theo các phương tiện giao thông, nhất là đường thủy mà chúng phổ biến trong các khu dân cư thành thị như hiện nay.

Tại Việt Nam, loài này sống đông đúc trong thành phố, thị xã và những vùng lân cận có đường giao thông thuận lợi và có môi trường thuận lợi là nhiều cống rãnh ẩm ướt. Loài chuột này là chỉ thị cho môi trường kém vệ sinh. Tỷ lệ loài chuột này giảm dần từ nội thành ra ngoại thành, chúng thường sống gần người và kiếm ăn trong các đống rác thải, chui rúc trong chuồng gia súc, cống rãnh, trú ẩn trong các hang hốc tự nhiên : đống gạch ngói, tường đổ, khe hở tường.

* Chuột chù hay còn gọi chuột xạ (Suncus murinus): là loài thú ăn côn trùng, sâu bọ là chính, có mõm nhọn, tai và mắt nhỏ. Màu lông xám tro đậm. Chuột có chất tiết làm cho có mùi hôi đặc biệt.

Chuột chù (Suncus murinus)

Chuột xạ ở Việt Nam có 3 giống, trong đó giống Suncus và loài Suncus murinus là phổ biến nhất và phân bố rộng trên toàn lãnh thổ, thường gặp ở độ cao dưới 100 m. Mặc dù là loài ăn chủ yếu là côn trùng nhưng chúng sống bám vào nhà. Trong nhà ở, chúng sống, trú ẩn và làm tổ trong các hang hốc tự nhiên nơi ẩm thấp nhất, tối tăm nhất, gần lu vại chứa nước, dưới đống cây, gỗ mục, đống gạch đá, góc vườn nhà.

Vật chủ là một trong ba mắt xích quan trọng trong việc duy trì và lưu hành bệnh dịch hạch. Căn cứ vào sinh thái, sinh học của vật chủ, có thể chia ra thành 2 loại ổ bệnh dịch hạch:

- ổ dịch hạch “thiên nhiên” hay “hoang dại”: Hơn 200 loài động vật được xác định là nhiễm Yersinia pestis trong điều kiện tự nhiên, trong đó chủ yếu là các loài gặm nhấm. Tuỳ vào vùng địa lý mà thành phần chính của các loài gặm nhấm có vai trò vật chủ khác nhau. Hoạt động của ổ dịch hạch hoang dại tồn tại trong thiên nhiên, độc lập với các hoạt động của người. ổ dịch hạch hoang dại hình thành từ lâu và tồn tại lâu dài trong những điều kiện nhất định của tự nhiên.

Theo học thuyết “ổ bệnh thiên nhiên” của Palôpxki năm 1946, có 3 mắt xích quan trọng là : mầm bệnh, vật chủ và trung gian truyền bệnh, chúng có quan hệ sinh thái học chặt chẽ với nhau tạo nên quá trình sinh dịch và duy trì lâu dài trong các sinh địa cảnh nhất định. ổ bệnh dịch hạch “thiên nhiên” được xác định với những tính chất riêng, bao gồm nhiều yếu tố như đặc điểm sinh địa cảnh, khí hậu và ranh giới ổ dịch. Loài vật chủ chính và các loài thứ yếu cũng như tính chất của mầm bệnh.

- ổ dịch hạch trong và xung quanh khu dân cư hay ổ dịch “gần người” : Được Uỷ ban Nghiên cứu Dịch hạch Anh xác định vào năm 1906, vật chủ chính là các loài chuột sống gần người như Rattus rattus, Rattus norvegicusRattus exulans. Những loài chuột sống trong và xung quanh khu dân cư thường gây nên những vụ dịch với quy mô lớn hơn nhiều so với ổ dịch hoang dại bởi sự phân bố rộng rãi và tính phổ biến của chúng. Tình hình dịch hạch trên thế giới trong những thập kỷ qua cho thấy một số lớn ổ dịch “gần người” đã được dập tắt.

Tính cảm nhiễm của các loài vật chủ với Yersinia pestis rất khác nhau và có thể phân chia thành 2 nhóm :

- Nhóm có tính đề kháng tương đối với bệnh dịch hạch, thường có biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng, tỷ lệ tử vong của nhóm này khi bị bệnh dịch hạch là rất thấp mặc dù khi giám sát huyết thanh quần thể này có thể ghi nhận tỉ lệ dương tính rất cao, có thể là 100%. Chúng giữ vai trò chính trong việc duy trì bệnh dịch hạch dai dẵng. Hiện tượng chuột chết tương đối hiếm gặp ở nhóm vật chủ này. Các ổ dịch hoang dại trên thế giới duy trì trong thiên nhiên trong một thời gian rất dài, rõ ràng có một số vật chủ thuộc nhóm này phải tồn tại sau các vụ dịch và vi khuẩn dịch hạch tiếp tục tồn tại và lưu hành ở số vật chủ này nhưng tỷ lệ tử vong của số vật chủ này thường rất thấp.

- Nhóm nhậy cảm không có hoặc có tính đề kháng với vi khuẩn dịch hạch yếu nên khi Yersinia pestis xuất hiện ở nhóm này thường biểu hiện nhiễm trùng rầm rộ với số tử vong rất cao, nhóm này có vai trò mở rộng và lan truyền bệnh dịch hạch đi xa trong tự nhiên. Hiện tượng chuột chết thường gặp ở nhóm nhậy cảm.

Tuy nhiên, điều khó khăn là xác định một loài vật chủ thuộc nhóm đề kháng hay nhạy cảm, vì tính nhạy cảm của một loài nào đó có thể khác nhau giữa các vùng, hơn nữa tính nhạy cảm có tính chất tạm thời tùy thuộc vào sự khác nhau về mật độ của quần thể vật chủ hoặc mật độ bọ chét sống ngoại ký sinh trên vật chủ và độc lực của một chủng vi khuẩn dịch hạch ở một ổ dịch động vật có thể thay đổi theo thời gian.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét