Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

1. LỊCH SỬ BỆNH DỊCH HẠCH VÀ NGHIÊN CỨU VỀ BỆNH DỊCH HẠCH

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tối nguy hiểm thuộc diện kiểm dịch và khai báo quốc tế do Yersinia pestis gây nên. Bệnh lưu hành trong quần thể động vật thuộc bộ gặm nhấm (Rodentia), chủ yếu là chuột và bọ chét ký sinh trên chúng, từ đó lây truyền sang các loại súc vật khác và sang người. Bệnh thường lưu hành dai dẳng địa phương nhưng vẫn luôn là mối đe doạ bùng phát thành dịch lớn. Lịch sử loài người đã ghi nhận 3 vụ đại dịch vào các thế kỷ thứ XI, XIV và XIX với hàng trăm triệu người tử vong và bệnh dịch hạch đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhân loại.

Bệnh dịch hạch được biết đến từ thời xa xưa, mặc dù khó có thể xác định được những thông tin chính xác cần thiết để phân biệt hoặc chứng minh dịch hạch ở thời gian này với các bệnh lây truyền cấp tính do vi khuẩn khác hoặc vi rút. Trong Kinh thánh Cựu Ước, câu 6 và 9, đoạn 5 của sách Samuel I vào khoảng 1320 năm trước công nguyên, có thể được xem là một trong những tài liệu đầu tiên ghi nhận về bệnh dịch hạch thể hạch.

Trong khoảng hai ngàn năm qua, các vụ dịch hạch lớn đã lây lan rộng khắp đến các quốc gia trên thế giới. Đại dịch đầu tiên được ghi nhận vào thế kỷ thứ VI, vào khoảng từ năm 542 đến 546 xảy ra vụ dịch lớn bắt đầu ở Đế quốc La Mã phương Đông vào triều đại Vua Justinian 1 ở Ai Cập, lây lan sang Châu Âu, ước tính làm chết khoảng 100 triệu người ở Châu Á, Châu Phi và Châu Âu.

Diễn biến đại dịch lần thứ 1

Đại dịch lần thứ hai nổi tiếng với tên “Bệnh chết đen – Black Death” vào thế kỷ XIV, khoảng từ năm 1347 đến 1350. Nguồn gốc của đại dịch này, theo một số tác giả là có khả năng xuất phát từ Trung Quốc, Mongolia, ấn Độ, Trung á hoặc miền Nam nước Nga xâm nhập vào Châu Âu, có lẽ theo con đường buôn bán tơ lụa chuyên chở bằng marmots của người Châu á vào đầu thế kỷ XIV. Dịch hạch xâm nhập đến Caffa (Feodosiya, Ucraine hiện nay) vào khoảng năm 1346. Quần thể lớn chuột ở đây là điều kiện cho dịch lây lan mạnh, nhất là khi các thuyền vận chuyển hàng hoá cập bến đến các hải cảng lớn của Châu Âu như Pera, một vùng ngoại ô của Constantinople và đến Messina thuộc Sicily. Năm 1348, dịch hạch xâm nhập vào Weymouth, nước Anh. Đại dịch lần thứ 2 ước tính làm chết khoảng 50 triệu người trên thế giới, trong đó, một nửa số nạn nhân là ở Châu Âu, chiếm một phần ba dân số Châu Âu thời bấy giờ. Tỷ lệ tử vong trong đại dịch này từ 70-80%.

Ước tính dân số Châu Âu từ năm 1000 đến 1352: Năm 1000 khoảng 38 triệu người, năm 1100 khoảng 48 triệu, năm 1200 khoảng 59 triệu người, năm 1300 khoảng 72 triệu người. Năm 1347 khoảng 75 triệu người và đến năm 1352 ước tính chỉ còn khoảng 50 triệu người. Như vậy trong vòng 5 năm có khoảng 25 triệu người, một phần ba dân số Châu Âu bị chết trong đại dịch này.

Diễn biến đại dịch lần thứ 2

Thời bấy giờ các thầy thuốc hoàn toàn không có biện pháp điều trị thích hợp vì không hiểu biết về dịch tễ học dịch hạch cũng như điều kiện khoa học kỹ thuật. Tại trường Đại học Paris, các thầy thuốc cho rằng sự giao hội hành tinh của Sao Thổ, Sao Hoả và Sao Mộc vào lúc 13 giờ ngày 20 tháng 3 năm 1345 đã gây xáo trộn bầu khí quyển xung quanh và đó là nguyên nhân gây nên dịch hạch. Họ đề nghị chế độ ăn kiêng, không ngủ nhiều, tập thể dục, súc ruột và hạn chế quan hệ tình dục.

Một số người đã giết chó và mèo vì họ cho rằng đó là các loài mang bệnh truyền cho người mà không biết rằng nguồn gốc bệnh dịch hạch là từ chuột, còn những tín đồ của một số tôn giáo lại kết tội lẫn nhau hoặc kết tội cho phù thuỷ hoặc ma quỷ.

Vào năm 1666, trong thời gian dịch hạch đang hoành hành ở Anh, một mục sư trong Giáo hội Anh tại giáo xứ Eyam, Derbyshire, nước Anh đã thuyết phục giáo dân trong giáo xứ mình tiến hành cách ly (quarantine) thành phố của mình, nhưng giải pháp này cũng không đem lại kết quả gì hơn vì mọi người dân đã sống gần với chuột nhiễm bệnh và thực tế 100% dân chúng nhiễm bệnh với 72% người dân bị chết.

Mô tả lâm sàng về “Bệnh chết đen” ở Châu Âu, được Boccaccio ghi lại trong “the Decameronvào năm 1350: Biểu hiện của bệnh không giống như ở phương Đông là nôn ra máu từ mũi, sau đó người bệnh tử vong. ở đây, bệnh mắc ở cả nam lẫn nữ, biểu hiện nổi một hoặc vài hạch ở bẹn hoặc nách. Hạch to dần bằng quả táo nhỏ hoặc quả trứng, có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn và thường gọi là những khối u. Chỉ trong thời gian ngắn, các khối u này lan sang các phần khác trên cơ thể và ngay sau đó, xuất hiện những đám xuất huyết lớn hoặc nhỏ màu đen trên tay hoặc chân hoặc các phần khác trên cơ thể.

Đại dịch lần thứ hai kéo dài ở Châu Âu cho đến tận năm 1720 mới kết thúc, theo nghiên cứu của một số tác giả thì có nhiều nguyên nhân giải thích cho việc này là:

Bọ chét Xenopsylla cheopis, véc tơ chính của bệnh dịch hạch, không thể tồn tại được lâu hơn nữa trong điều kiện khí hậu của Châu Âu. Chuột Rattus rattus sống khá gần với người đã được thay thế bởi chuột Rattus norvegicus, loài chuột này thường sống xa người hơn so với Rattus rattus. Một số chủng Yersinia pestis có độc lực yếu hoặc những loài Yersinia như Yersinia pseudotuberculosis xuất hiện đã gây được miễn dịch tự nhiên cho người cũng như chuột. Người Châu Âu đương thời thường bị thiếu sắt, mà nguyên tố này là một yếu tố cần thiết của độc lực vi khuẩn và việc sử dụng xà phòng trong sinh hoạt hàng ngày trở nên phổ biến đã làm giảm mật độ tấn công của bọ chét đối với người.

Gần đây, sử dụng phương pháp sinh học phân tử và sử dụng tuỷ răng như là nguồn “lưu giữ” DNA của vi khuẩn dịch hạch, các nhà khoa học đã chứng minh được Yersinia pestis chính là tác nhân của vụ dịch “Bệnh chết đen” ở Châu Âu vào năm 1347 cũng như 2 vụ dịch vào năm 1590 và 1722 ở miền Nam nước Pháp.

Cuối thế kỷ thứ 19, sự phát triển mạnh mẽ của giao thông đường thủy đã tạo điều kiện thuận lợi cho đại dịch thứ ba bắt đầu ở Canton và Hồng Kông vào năm 1894, nhanh chóng lan truyền đi khắp thế giới. Trong vòng 10 năm, (1894-1903), dịch đã lan đến 77 thành phố cảng trên khắp 5 châu : Châu Á (31), Châu Âu (12), Châu Phi (8), Bắc Mỹ (4), Nam Mỹ (15) và Châu úc (7). Trong đại dịch này, dịch hạch lây lan mạmh mẽ ở ấn Độ, chỉ riêng ở Bombay đã làm chết khoảng 13.000.000 người.

Trong thời gian đại dịch lần thứ 3 đang hoành hành ở Hồng Kông, vào tháng 6 năm 1894, Alexandre Yersin và Shibasaburo Kitasato, đồng thời trong vòng vài ngày, độc lập thông báo đã phát hiện được sự hiện diện của một loại vi khuẩn bắt màu lưỡng cực trong hạch, máu, phổi, gan và lách của những bệnh nhân tử vong vì bệnh dịch hạch.

Alexandre Yersin đã sử dụng kháng huyết thanh để điều trị một bệnh nhân dịch hạch vào năm 1896, đồng thời quan sát thấy có mối liên quan giữa bệnh dịch hạch và chuột, nhưng phải 2 năm sau, Hankin và Paul Louis Simond ở Bombay năm 1898, cũng như ghi nhận của Thompson J.A ở Sydney năm 1900 mới xác định được mối liên quan này.

Vào năm 1897, thời gian dịch hạch đang bùng phát ở Bombay, Ấn Độ Paul Louis Simond và Masanori Ogata ở Formosa năm 1897 đã phát hiện được ra vai trò trung gian truyền bệnh dịch của loài bọ chét chuột (Xenopsylla cheopis). Đầu những năm 1900, ủy ban Phòng chống Dịch hạch ấn Độ đã có những nghiên cứu về bọ chét, nhất là loài Xenopsylla cheopis, cũng trong thời gian này, Waldemar Haffkine đã phát hiện và chứng minh hiệu quả của vắc xin.

Cơ chế lây truyền bệnh dịch hạch được Bacot A.W và Martin C.J mô tả lần đầu vào năm 1914.

Vụ dịch ở Mãn Châu Lý, Trung Quốc vào thời gian 1910-1911, làm chết khoảng 50.000 người. Wu L.T nhận ra vụ dịch hạch thể phổi, thể này lan truyền qua không khí và Ông đã đề ra những biện pháp phòng ngừa sự lan truyền của thể phổi. Wu L.T và Strong R.P cùng cộng sự có nhiều nghiên cứu về dịch tễ học và bệnh sinh học của bệnh dịch hạch thể phổi trong vụ dịch này.

Trong hai thập niên 1950 và 1960, Mayer K.F và cộng sự có nhiều nghiên cứu sâu hơn về nguồn bệnh, hiệu quả của kháng sinh và vắc xin cũng như bệnh lý học dịch hạch. Tiếp sau đó, Baltazard M đã mô tả về vai trò của vật chủ kháng bệnh hay nguồn bệnh “im lặng” trong việc duy trì cũng như bùng phát các vụ dịch trong tự nhiên.

Vi khuẩn dịch hạch trải qua nhiều danh pháp khác nhau, đầu tiên khi mới được phát hiện có tên là Bacterium pestis, đến năm 1900 gọi là Bacillus pestis, sau năm 1923 đổi thành Pasteurella pestis và tại Hội nghị Sinh vật học Quốc tế lần thứ 10 vào năm 1970 mới có danh pháp như hiện nay là Yersinia pestis.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét